8/14/2009 05:25:00 PM
0

Không ít trẻ vị thành niên, thanh niên đã phải đến điều trị ở phòng khám tâm lý chỉ vị họ có người anh/chị hoặc em ruột quá hoàn hảo và luôn được nhắc nhở về điều đó.

Điển hình là trường hợp của Mai Ly, nữ sinh trung học, một bệnh nhân của phòng khám TuNa (phố Vọng, Hà Nội). “Em thấy mình là cục nợ của cả nhà, ai cũng thấy em xấu xí, kém cỏi, đáng ghét”, Mai Ly nói. Sự thật thì cô bé xinh xắn, dáng cao và đẹp, nhưng bị lu mờ khi so với cô chị lớn hơn 5 tuổi. Mai Lan chị cô cao như người mẫu, gương mặt đẹp, học rất giỏi.

Trở nên bất trị vì ghen với chị

Từ hồi nhỏ, Mai Lan đã là “tấm gương” được treo cao trong gia đình, dòng họ. Ai nấy đều ca ngợi cô, và bảo Mai Ly phải cố cho bằng một nửa chị đã là tốt lắm. Dù cố đến mấy, chị vẫn là một “tượng đài” mà cô bé không thể vượt qua để chiếm vị trí danh sự trong gia đình. Từ tủi thân, mặc cảm, Mai Ly dần ghen tị và ghét chị: “Trước mắt mọi người, bà ấy cứ tỏ ra chuẩn mực vậy thôi chứ thực ra rất ích kỷ, tầm thường, nhưng chẳng ai thấy điều đó”.

Nỗi khổ có anh chị quá xuất sắc
Trở nên bất trị trước cha mẹ, hay thành ra bất đắc chí nhiều khi chỉ vì áp lực trước những "tượng đài" của anh/chị mà cha mẹ, người thân dựng nên. (Ảnh minh hoạ: Corbis).

Mai Ly phản ứng bằng cách tỏ ra ngỗ nghịch. Cô bé lơ là học hành, bỏ học chơi game, ngủ gục trong lớp, và sẵn sàng viết hàng mớ bản kiểm điểm. Ly không có bạn vì cô bé ghét họ và cũng bị ghét vì sự trái tính trái nết. Ở nhà, mẹ Mai Ly luôn thở phào khi đi làm về không thấy con gái út. Tuy rất chiều Mai Ly, đáp ứng mọi đòi hỏi quá quắt của cô vì nghĩ cô thiệt thòi, thua kém chị nhưng bà rất hay bị con út “tấn công” bằng cách mỉa mai, hoặc nói hở ra điều gì là vặn vẹo. Những câu mỉa, câu vặn của Mai Ly rất sắc sảo khiến bà mẹ cứng họng và bẽ mặt, và cô bé hả hê.

“Em luôn thấy trong mình có những con người khác nhau, một xinh đẹp, dịu dàng, một xấu xí, độc ác”, Mai Ly tâm sự. Cô bé cũng hay có những cơn sợ hãi thái quá khi ở chỗ vắng người và nhiều dấu hiệu rối loạn tâm lý khác. Nhận thấy nguyên nhân là áp lực quá lớn từ cái bóng của người chị, chuyên gia trị liệu cho Mai Ly theo hướng để cô bé khẳng định giá trị bản thân và không để ý so sánh với chị nữa. Cô bé được làm nhiều bài trắc nghiệm trí tuệ và phấn khởi khi toàn đạt kết quả cao. Ly dần nhận ra những điểm mạnh của mình và cô bé rất tự hào. Về phía gia đình, người mẹ cũng tránh lôi con gái lớn ra làm gương, dặn mọi người khi có mặt Ly thì đừng nhắc đến chị mà cố gắng khen cô bé thật nhiều.

Một lần, Mai Ly khoe với nhà tư vấn: “Hôm qua các cô bác đến nhà em chơi, đông vui lắm”. Đó là một điều lạ vì bình thường, Ly luôn thù địch với mọi người. Nguyên do là hôm ấy cô chị đi vắng, và những người họ hàng hồ hởi khen ngợi Ly: “Chà, Mai Ly cao lên nhiều quá nhỉ”; “Cháu ngày càng giống mẹ đấy (mẹ Ly rất đẹp)”, “Ly học trường Chu Văn An à? Phải học giỏi mới vào được trường đấy…”. Những lời khen này đều đúng nên cô bé rất hạnh phúc. Dần dần, Mai Ly không ghét chị, không thấy mình là kẻ thua kém nữa. Cô bé chăm lo học hành và đã thi đỗ vào một trường đại học có giá.

Bị bố mẹ xem thường, trở thành vô tích sự

Trường hợp của Thuý Vân (30 tuổi, nhân viên một công ty luật ở TP HCM) đặc biệt hơn. Cô bị trầm cảm nặng vì bế tắc, không biết đời mình sẽ ra sao. Ở tuổi mà phần lớn phụ nữ đã viên mãn với một gia đình, cô vẫn không có ai, cảm thấy mình không có bất cứ một kỹ năng nào để tự quán xuyến cuộc sống. Cô thu mình, không biết giao tiếp nên hầu như không có mối quan hệ nào.

Tốt nghiệp đại học Luật, Vân được bố đưa vào làm ở nơi ông lãnh đạo trước đây. Hễ cơ quan tổ chức đi chơi, ông dắt con đến và dặn đi dặn lại mọi người phải chăm sóc, để mắt đến Vân: “Nếu nó có làm sao thì cả đoàn phải chịu trách nhiệm”. Việc này khiến Vân xấu hổ và mọi người phát ngán. Không chỉ thế, hễ Vân đi đâu, làm gì, bố cô đều lo lắng, dặn dò kỹ lưỡng và đòi đưa đón thì mới yên tâm. Mọi việc của cô đều được bố mẹ làm thay. Ở nhà, Vân không phải, đúng hơn là không được đụng tay vào việc gì, dù là rửa bát, vì yêu chiều cô nhưng lý do thực là họ nghĩ cô vô tích sự.

Tất cả những điều đó không hề xảy ra với Phương, chị của Vân, một người rất xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt. Phương được coi là kết tinh sự ưu tú của bố mẹ, khi còn nhỏ đã được họ tin tưởng, coi như người lớn. Còn cô em luôn được coi là vịt con xấu xí bên cạnh thiên nga. Bố mẹ Vân đều cho rằng con út sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì và họ xác định sẽ bảo bọc cô suốt đời, nào xin việc giúp, nào mai mối người yêu. “Nó kém như vậy mà giới thiệu ai, nó cũng chê”, ông bố phàn nàn.

Còn cô con gái ấm ức: “Hễ làm mai cho anh chàng nào, bố em đều bảo con mà không lấy nó thì còn lấy được ai nữa. Em tức và tự ái quá nên ghét luôn người ta”. Với việc cơ quan cũng vậy, hễ cô phàn nàn gì là bị bố “dội nước lạnh”: “Mày không làm ở đó thì còn làm được ở đâu nữa?”. Vân rất muốn tìm một công việc khác, và tự kiếm bạn trai, nhưng không làm được vì kém giao tiếp, điều đó khiến cô càng trầm cảm nặng hơn.

“Em ngại lập gia đình vì em chẳng biết làm gì, không biết chợ búa, cơm nước, không biết tự quản lý tiền”, Vân khổ sở nói. Có lần, cô lén đến một lớp học cho những người chuẩn bị kết hôn và rất thú vị với những gì học được, nhưng sau đó ốm nên phải nghỉ và khi khoẻ lại thì lớp học ấy không được mở nữa. Ở tuổi 30, Vân nhận ra sự kém cỏi của cô là do bị bố mẹ xem thường mà tước đi mọi cơ hội học hỏi, va chạm. Cô muốn thay đổi điều đó nhưng thật khó khăn.

Chuyên gia tâm lý Linh Nga thuộc phòng khám TuNa cho biết, việc sống trong gia đình mà các thành viên đều xuất sắc trong khi mình bình thường là một áp lực. Nhiều người căng thẳng vì mẹ rất đẹp, hoặc bố rất giỏi mà mình không được thế, nhưng điều đó dễ chấp nhận hơn việc người được đem ra so sánh là anh, chị em của mình, những người “bằng vai phải lứa”. Sự chênh lệch giữa anh chị em nếu được bố mẹ thường xuyên nhấn mạnh, so sánh… sẽ khiến người con kém hơn cảm thấy rất tồi tệ, và có thể ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý cũng như sự phát triển nhân cách của con.

Nhiều trường hợp đứa con thấy áp lực không phải vì mặc cảm thua kém anh chị, mà thua kém chính đứa em mình, như trường hợp của cháu Cường, 13 tuổi, ở Hà Nội. Cậu bé này từ bé đã ương bướng, bố mẹ mắng thì cãi lại hoặc lì ra. Trong khi đó, cậu em kém ba tuổi lại luôn vui vẻ, hồ hởi, bị trách mắng thì cười rất dễ thương. Bố mẹ yêu thích con út ra mặt, luôn ngợi khen cậu bé và lấy cậu làm gương cho anh, khiến Cường tức giận và càng hay gây lỗi. Giận thằng con bất trị, ông bố quát mắng nặng lời, nhiều khi còn đánh đập con lớn, trong khi những lỗi của con út thường được bỏ qua.

Cường ghét bố mẹ và em: “Nó khôn lắm, thực ra nó cũng hư nhưng biết cách che đậy, nịnh nọt nên dù làm gì bố mẹ cũng không mắng, còn cháu thì cứ nói thẳng nên bị ghét”. Càng ngày Cường càng lì lợm, ngỗ nghịch, khiến bố mẹ nhìn thấy cậu là ức chế, càng phân biệt đối xử. Cường mang cả thái độ chống đối đến lớp học ở trường quốc tế, gây gổ với thầy cô, bạn bè, đến nỗi thầy giáo tuyên bố với phụ huynh nếu Cường không được trị liệu để trở lại bình thường thì phải thôi học để khỏi ảnh hưởng đến các bạn.

Nói chuyện với nhà tư vấn, ban đầu bố mẹ Cường không nhận ra sai lầm của mình: “Tôi có phân biệt đối xử đâu, mua gì cũng mua cho cả hai đứa, đi ăn đi chơi đâu cũng cho cả hai anh em đi”. Nhưng rồi họ phải thừa nhận thái độ, cách cư xử của mình khác hẳn giữa hai đứa con. “Đó là cảm xúc tự nhiên thôi vì một đứa thì nhìn đã thấy yêu, đã thấy dễ chịu, còn đứa kia hễ thấy mặt là căng thẳng”, ông bố nói. Thời gian gần đây, bố mẹ Cường thay đổi cách cư xử với con, không thiên vị con út, khi hai đứa mâu thuẫn thì cố gắng phân xử công bằng, bắt lỗi con út và khen ngợi con lớn đúng lúc... Họ chịu nói chuyện ôn tồn, tình cảm với Cường nhiều hơn và không quát mắng như trước. Nhờ đó, cậu bé bắt đầu có tiến bộ.

Theo các chuyên gia, việc các con khác nhau về tính cách, chênh lệch về hình thức hay trí tuệ và rất bình thường. Dù muốn đứa con kém hơn theo kịp anh chị em của nó, bố mẹ cũng không nên nhấn mạnh đến sự khác biệt này, hoặc suốt ngày bắt con noi gương vì sẽ phản tác dụng. Cần tôn trọng mỗi đứa con, chấp nhận từng đứa như nó vốn cố thì mới khuyến khích con phát huy hết các khả năng của mình để phát triển tốt.

Theo Báo Đất Việt

0 comments:

Post a Comment

- Ghi lời nhận xét của bạn vào khung dưới đây.
- Trong mục "Nhận xét với tư cách", nếu bạn không có các tài khoản Google, Wordpress,... thì có thể chọn "Tên/Url": Ghi nickname bạn muốn hiển thị và ghi Link bạn muốn giới thiệu với mọi người(blog hoặc website..., có thể bỏ trống phần này). Nếu bạn muốn ẩn danh thì chọn phần "Ẩn danh". Sau đó click vào "Đăng Nhận Xét"!
- Đề nghị các bạn không nói tục, nói bậy, dùng những lời lẽ quá khích khi nhận xét. Những trường hợp như vậy sẽ bị xoá ngay.
- Các bạn có thể sử dụng Emoticons bằng cách bấm vào nút [▼/▲] để trang trí cho bài viết nha!!
Root

:) :)) ;(( :-) =)) ;( ;-( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ $-) (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.