Cuộc “dịch chuyển” của văn hóa blog | |
Chuyện kể rằng: Ngày nảy ngày nay, cộng đồng mạng nọ còn chia năm sẻ bảy với nhiều “chủng tộc” blog khác nhau thì lãnh địa của Yahoo! 360 (Y360) là đông đúc, xôn tụ và tất nhiên cũng phức tạp nhất. Hiếm ai dùng blog mà không tậu một mảnh đất, dựng một gian nhà riêng trên Y360. Sự lớn mạnh của nó làm cho xã hội “ảo” xôn xao, ngỡ như đã có một cuộc cách mạng về Internet, về báo chí công dân trong lãnh địa thu nhỏ này. Đủ mọi hỉ, nô, ái, ố, kiện tụng, tâng bốc, lăng xê, gièm pha, ganh tị… có trên Y360 nên đôi khi cứ ngỡ tại không gian này, thứ quyền vẫn được ghi trong cách loại sách chính thống là “tự do dân chủ”, “tự do phát ngôn” đã được phát huy hết mức ở đây. Âu đó cũng là nhu cầu chính đáng, hợp lẽ tự nhiên nên blog Y360 đã trở thành nơi đất chật người đông thực sự. Sự lúng túng, thiếu nhất quán của những người điều hành xã hội “ảo” Y360 khiến cho các “thần dân” bực tức Những lý do quan trọng đầu tiên khiến Y360 dẫu không được ưa dùng trên thế giới nhưng lại được ưa chuộng tại VN có thể giải thích trước hết là nó có sự “liên thông” với email và công cụ “chat” của nhà cung cấp này, vốn đã rất chắc chân và phổ biến ở VN (mà bản chất của người VN là luôn có nhiều chuyện để kể, nhất là trong lúc… “nông nhàn”, nên “chat chit” đã tha hồ phát huy tác dụng). Lý do rất quan trọng khác, mang tính chủ quan nhiều hơn, đó là Y360 gãi đúng chỗ ngứa là nhu cầu (và khả năng) viết, phát biểu, nói và giãi bày của người Việt. Đọc bài trên blog và xem comment (bình luận) đó là mối quan tâm của mỗi người dùng blog Y360 và cũng là thế mạnh, chức năng chính yếu của mạng xã hội nhấn vào góc độ mỗi “entry” (đường dẫn, bài viết) này. Hàng triệu cánh cửa sổ đa chiều mở ra trên mạng, hàng triệu ngôi nhà online trên blog rung chuyển như rơi vào phen… động đất.
Song sự lúng túng, thiếu nhất quán của những người điều hành xã hội “ảo” Y360 khiến cho các “thần dân” bực tức. Họ đã bỏ công xây nhà, dựng nghiệp trên đó, bao entry tâm huyết, bao “hot blogger” (có thể coi là các nhân tài, anh hùng hào kiệt trong thế giới mạng)… bây giờ chẳng lẽ trở thành… “no country for old men” (như tên bộ phim “Người già không chốn dung thân”) hết cả?! Nhưng một khi đã là nhu cầu có thật và chính đáng thì nhu cầu đó không mất đi mà chỉ… chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Điều này cũng như là một vùng lãnh thổ trên xa lộ ảo có thể bội ước, nhập nhằng, bê trễ với cộng đồng dân cư, để rồi tan biến đi, nhưng mảnh đất blog, hình thức weblog thì vẫn còn đó. Và thế là trước và sau khi Y30 đóng cửa, một cuộc dịch chuyển rầm rộ trên không gian mạng diễn ra. Người dùng blog VN hoặc là tiếp tục phó tác “của cải” cho nhà mạng Yahoo cất giữ (khi Yahoo “cải cách”, “tái cấu trúc” mạng xã hội của mình từ Y360 sang Yahoo! Plus), hoặc là tìm cho mình những vùng đất khác. Với sự chào mời và để ngỏ lâu nay của của hàng chục ánh mắt câu kéo từ Face book, My space, Blogspot, Multiply, Wordpress, Opera…, người dùng blog Việt bắt đầu phân tán. Tùy nhu cầu, sở thích, sự đánh giá của mình mà mỗi blogger chọn mở ra cánh cửa mới hoặc đồng thời mở ra nhiều cửa sổ trên các phương tiện khác nhau. Ví như Facebook – “đại gia” về mạng xã hội trên thế giới – đã được một cộng đồng người Việt ra sức Việt hóa công cụ này để cộng đồng blogger có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Kết quả là hiện nay, lượt đăng ký sử dụng mạng này tăng trưởng hàng trăm lần so với cách đây vài tháng. Một thời kỳ mới của cộng đồng blog Việt mở ra… Văn hóa blogging thay đổi khi blog thay đổi? Ít lâu sau sự rã đám trong ôn hòa của Y360, thị phần blog và cộng đồng bloggers chưa có sự phân hóa rõ rệt, nhưng những yếu tố mạnh nha cho sự thay đổi về văn hóa blog đã ít nhiều bộc lộ. Thời kỳ “hậu Y360″, các mạng xã hội “thuần Việt” hoặc do người Việt phát triển vẫn không chớp được cơ hội “suy vong” của Y360 để giành ưu thế về cho mình. Quy mô, sự thiếu ổn định, đường hướng phát triển chưa rõ ràng và đặc biệt là sự cạnh tranh quá gay gắt từ những “ông lớn” khác đã khiến các blog “made by Vietnam” vẫn chưa được lựa chọn sử dụng nhiều. VN là một trong những nước có tốc độ phát triển weblog và mạng xã hội nhanh nhất thế giới Trong khi đó, Facebook và Twitter đang như vết dầu loang ngày càng rộng. Tuy các mạng này chưa phải đã thỏa mãn và phù hợp hoàn toàn với người sử dụng VN; nhưng cùng với những chiến dịch PR khôn khéo trong thời điểm cộng đồng blogger có nhiều xáo trộn, đây đang những là đối trọng chính có thể “tiếm ngôi” đầu về blog của Yahoo!. Facebook không chú trọng chức năng viết bài, đưa tin theo cách đưa những “bài báo” online như Y360 khi xưa và Yahoo Plus hôm nay. Phần được đặt tên “Notes” của Face book cho phép dựng bài viết chỉ là một trong số rất nhiều phần tiện ích khác nhau. Người dùng cũng có thể mở rộng chức năng viết blog ở Face book khi kết hợp nó với mạng khác, tuy vậy, ngay cách dùng từ “Notes” – tức những ghi cú, ghi nhận, đánh dấu – đã cho thấy Yahoo! Plus hay những mạng khác như Blogspot, Wordpres… mới là nơi chú trọng đến tính năng viết bài như kiểu bài báo. Việc liên tục hỏi “Bạn đang nghĩ gì?” (what”s on your mind?) cho phép viết những dòng ngắn, tức thời, trực diện cùng với nhiều tiện ích như trò chơi, thông tin, giải trí… khác cho thấy Face book như một cuốn lịch và cũng là trang nhật ký mạng có tính liên kết, liên thông rất mạnh. Sự updates liên tục ở Face book hay một mạng đặc thù hơn là Twitter khiến người ta dễ lướt qua những bài viết dài, dụng công. Thứ “đặc sản” của người Việt là bài viết, chùm ảnh khi được “post” lên Face book rất dễ bị tuột đi nhanh chóng cùng với những dòng tâm trạng vu vơ chợt đến khác. Bây giờ, dân văn phòng sử dụng email nhiều, thích sự quy củ, đa năng đa số đã và đang đến với Face book. Trên công cụ này đang dần hình thành những “hot blogger” nhưng chưa có sự đình đám như hồi Y360. Nội dung trên đây cũng rất “hiền” và danh tính của người dùng thường rất rõ, ít “gây sốc” nên chắc cũng sẽ dễ… “quản lý” hơn Y360 hồi nào. Riêng những người ưa viết lách, muốn nhờ blog là nơi lưu giữ cho mình những “bài viết” tâm đắc, muốn có thế đứng “độc lập” sẽ thủ sẵn cho mình một vài blog trên Blogspot, Wordpress, Opera… bên cạnh việc vẫn phải “chảy” theo những mạng ồn ào khác.
Tiềm năng của nhu cầu viết văn, làm báo lớn đến mức, đúng dịp blog Y360 đóng cửa, có ngay một nhóm viết trẻ công bố ngay trang Vanhocmang.net để đưa những “tác phẩm văn học” lên mạng với tính tương tác như đã có ở blog Y360 khi xưa. Những người còn lưu luyến với Yahoo, muốn giữ lại phần nào bạn bè cũ thì vẫn “chung chăn chung gối” với Yahoo! Plus hay Yahoo! Profiles. Còn các blog, mạng xã hội của Việt Nam thì thu hút đối tượng tuổi teen nhiều hơn và từ giao diện thiết ké đến nội dung rất chú ý đến đối tượng này. Một đối tượng quan trọng khác chính là các blogger tên tuổi, có “thương hiệu”, nổi đình đám từ thuở Y360 đã lập cho mình các blog riêng, một mình một khoảnh mà nhìn vào đó có thể thấy nó như một website cá nhân thì đúng hơn, như blog của Ôsin hay QĐC. Những đặc thù riêng của thế giới blog ở VN đã, đang và sẽ kéo theo sự thay đổi của văn hóa blog với nhiều phân hóa. Nhưng chắc chắn một điều là dòng chảy blogging ở Việt Nam sẽ còn được tiếp tục với nhiều điều thú vị còn ở phía trước và không dễ gì lập “hàng rào” ngăn lại dòng chảy tất yếu này. Bùi Dũng – Tuanvietnam.net
Nói có sách mách có chứng nhá |
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment
- Ghi lời nhận xét của bạn vào khung dưới đây.
- Trong mục "Nhận xét với tư cách", nếu bạn không có các tài khoản Google, Wordpress,... thì có thể chọn "Tên/Url": Ghi nickname bạn muốn hiển thị và ghi Link bạn muốn giới thiệu với mọi người(blog hoặc website..., có thể bỏ trống phần này). Nếu bạn muốn ẩn danh thì chọn phần "Ẩn danh". Sau đó click vào "Đăng Nhận Xét"!
- Đề nghị các bạn không nói tục, nói bậy, dùng những lời lẽ quá khích khi nhận xét. Những trường hợp như vậy sẽ bị xoá ngay.
- Các bạn có thể sử dụng Emoticons bằng cách bấm vào nút [▼/▲] để trang trí cho bài viết nha!!
Root